Chuyên gia Việt Nam: Trung Quốc hỗ trợ khu vực tư nhân lấy lại đà phát triển mạnh mẽ

Nguồn:CRI   |    2025-03-19 11:12:46

Ngày 17/2 tại Bắc Kinh, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tham dự và có bài phát biểu quan trọng tại buổi tọa đàm với doanh nghiệp khu vực tư nhân. Buổi làm việc của nhà lãnh đạo tối cao đã phát đi nhiều thông điệp quan trọng về chính sách của Trung Quốc trong phát triển kinh tế tư nhân giai đoạn tới đây. Trao đổi với Đài Phát thanh Truyền hình Trung ương Trung Quốc, chuyên gia kinh tế Việt Nam, PGS. TS. Lưu Ngọc Trịnh, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới cho rằng, đây là một trong những nỗ lực của chính phủ Trung Quốc nhằm củng cố niềm tin của khu vực tư nhân, hỗ trợ khu vực này lấy lại đà phát triển mạnh mẽ.

PGS. TS. Lưu Ngọc Trịnh, chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam)

Theo PGS. TS. Lưu Ngọc Trịnh, những năm gần đây, kinh tế tư nhân Trung Quốc đã phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, dần dần vượt qua khu vực quốc doanh, vốn là một lực lượng khổng lồ trong nền kinh tế Trung Quốc về đóng góp cho tăng trưởng và phát triển kinh tế – xã hội và nâng tầm khoa học công nghệ của quốc gia. Chỉ trong vòng 10 năm từ 2012 đến 2021, số lượng doanh nghiệp tư nhân ở Trung Quốc đã tăng hơn 4 lần (từ 10,857 triệu lên 44,575 triệu), tỷ trọng trong tổng số doanh nghiệp của nền kinh tế quốc dân tăng từ 79,4% lên 92,1%. Theo số liệu từ Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia (NDRC) Trung Quốc, khu vực tư nhân hiện đang đóng góp hơn 50% tổng doanh thu thuế, 60% GDP, hơn 70% đổi mới công nghệ, hơn 80% việc làm ở thành thị và 90% các doanh nghiệp mở mới ở Trung Quốc. Công thức “50/60/70/80/90” được coi là minh chứng hùng hồn nhất về tầm quan trọng của kinh tế tư nhân trong việc góp phần đưa nền kinh tế Trung Quốc từ chỗ nghèo nàn, lạc hậu trở thành cường quốc kinh tế và khoa học công nghệ thứ hai thế giới từ năm 2010.

“Nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân khổng lồ như Alibaba, Tencent, Huawei, BYD, Xiaomi, Baidu, Geely, JD.com, Bytedance, Meituan hay Didi,... đã tạo nên những đột phá cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Họ không chỉ thống trị thị trường nội địa mà còn vươn ra quốc tế, góp phần tạo nên những thay đổi mạnh mẽ và giữ vai trò quan trọng nổi bật trong các lĩnh vực mới nổi như công nghệ, viễn thông và thương mại điện tử thế giới. Tất cả những thành tựu đó đã khẳng định cho đến nay khu vực kinh tế tư nhân thực sự là xương sống và động lực chính của phát triển kinh tế Trung Quốc,” vị chuyên gia đánh giá.

Tuy nhiên, trước hàng loạt khó khăn đến từ môi trường bên trong và bên ngoài, trong đó có đại dịch COVID-19, sự xoay vần khó lường của các biến động địa chính trị và nhu cầu ảm đạm trên thị trường toàn cầu…, kinh tế tư nhân Trung Quốc cũng phải chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Chính vì vậy, chính phủ Trung Quốc gần đây đã có nhiều ưu tiên cho khu vực kinh tế tư nhân, tích cực đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ nhằm giúp khu vực này lấy lại đà phát triển mạnh mẽ, qua đó một lần nữa đóng vai trò là “động lực xương sống” cho sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc.

Theo PGS. TS. Lưu Ngọc Trịnh, sự tham dự và phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình tại hội nghị kinh tế tư nhân 17/2 đã gửi đi một số "thông điệp" quan trọng như sau: Thứ nhất, "chính sách, phương châm cơ bản" của Đảng và Nhà nước Trung Quốc đối với phát triển kinh tế tư nhân sẽ không thay đổi, theo đó thừa nhận “một khu vực tư nhân mạnh mẽ là điều cần thiết cho sự ổn định kinh tế và tạo dựng vị thế dẫn đầu về công nghệ" của Trung Quốc trong tương lai; Thứ hai, triển vọng phát triển kinh tế tư nhân là rộng lớn và đầy hứa hẹn, những thách thức của khu vực tư nhân chỉ mang tính “cục bộ, không phải toàn cục, tạm thời, không kéo dài, và có thể vượt qua, không phải không thể giải quyết”; và Thứ ba, Đảng Cộng sản Trung Quốc sẵn sàng ủng hộ khu vực kinh tế tư nhân một cách mạnh mẽ và sẽ kiên quyết thực hiện các biện pháp hỗ trợ, nhằm tạo thuận lợi cho sự phát triển công bằng của các doanh nghiệp.

“Những cam kết ủng hộ công khai và chính thức của người đứng đầu Đảng và nhà nước Trung Quốc sẽ sớm mang đến tác động tích cực, thậm chí còn hơn cả các biện pháp kích thích kinh tế thông thường. Điều này sẽ giúp vực dậy niềm tin của khu vực tư nhân, vốn đang chịu nhiều tác động tiêu cực từ những khó khăn trước đó. Nhờ vậy, đầu tư (trong đó có đầu tư từ khu vực tư nhân) sẽ được khai thông, khiến nền kinh tế Trung Quốc sẽ khởi sắc hơn trong năm 2025,” PGS. TS. Lưu Ngọc Trịnh đánh giá.

Chuyên gia Việt Nam cho rằng, sự ủng hộ nói trên sẽ càng được phát huy tác dụng, nếu dự thảo Luật thúc đẩy kinh tế tư nhân - một văn kiện có ý nghĩa thể chế và luật hóa các cam kết, khu vực kinh tế tư nhân sẽ được đối xử bình đẳng, được bảo vệ và được khuyến khích phát triển - sớm được thông qua. Theo chương trình dự kiến, Dự thảo luật sẽ được đưa ra xem xét tại kỳ họp Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc (Quốc hội) tổ chức vào tháng Ba này. Kể từ khi mới được công khai, dự luật đã nhận được sự quan tâm lớn từ người dân và cộng đồng doanh nghiệp Trung Quốc.

“Nếu được thực thi hiệu quả, luật này có thể đánh dấu một bước ngoặt trong cách tiếp cận của Trung Quốc đối với khu vực tư nhân, giúp xây dựng một môi trường kinh doanh minh bạch và ổn định hơn. Cùng với các nỗ lực sửa đổi và xây dựng các luật lệ và quy định tạo môi trường phát triển lành mạnh, bình đẳng và chất lượng cao cho khu vực kinh tế tư nhân, chính phủ Trung Quốc có thể thực sự hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân và doanh nhân phát huy hết năng lực của mình trong việc đầu tư vào nền kinh tế nói chung, trong đó có lĩnh vực khoa học tiên tiến và công nghệ cao nói riêng, giúp Trung Quốc khắc phục được những khó khăn hiện hữu và tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đủ sức cạnh tranh quốc tế trong thời kỳ Trump 2.0,” PGS. TS. Lưu Ngọc Trịnh bày tỏ.

Chuyên gia Việt Nam: Trung Quốc hỗ trợ khu vực tư nhân lấy lại đà phát triển mạnh mẽ